NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN – ĐÈN TIFFANY RA ĐỜI
Tiffany & Co: Giá trị của sự tuyệt hảo
Những người sành điệu trên thế giới tìm mua kim cương và các loại trang sức khác từ Tiffany vì chất lượng thượng hạng, kiểu mẫu mới lạ và sự tận tâm, kỹ càng của người thợ khi hoàn thành sản phẩm – Đó cũng là những tiêu chuẩn mà từ hơn 150 năm trước đây, Charles Lewis Tiffany, người sáng lập công ty đã đặt ra nhằm chinh phục được sự tin tưởng của thành phần giàu có và giới quý tộc tại Hoa Kỳ cũng như Châu Âu.
Theo thời gian, Tiffany & Co., đã trở thành nhà kim hoàn cho hầu hết các giòng dõi vua chúa ở khắp Âu Châu, kể cả nữ hoàng Anh Victoria. Cửa tiệm Tiffany từng bán không biết bao nhiêu món trang sức giá trị cho những nhân vật nổi tiếng quyền thế và giàu có nhất ở New York như Astor, Vanderlbilt và Stanford White.
Charles Lewis Tiffany là hậu duệ của Humphrey Tiffany, người đã ở trong đợt di dân đầu tiên đến vùng Vịnh Massachusetts năm 1660, và đã đi từ vai trò trông coi cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình ở vùng đông Connecticut lên chức chủ tịch công ty Tiffany & Co., công ty hàng đầu của ngành kim hoàn tại Hoa Kỳ.
Cha của ông, một chủ hãng dệt, đã dựng lên một cửa hàng tạp hóa cho con mình đứng trông coi khi chỉ mới 15 tuổi. Sau đó, ông vào xưởng làm việc với cha, và cũng để học nghề trông coi điều khiển một công ty lớn.
Lịch sử của công ty Tiffany & Co., bắt đầu từ năm 1837 khi Charles Lewis Tiffany và người bạn từ thuở ấu thơ John Young lên New York City để mở một cửa hàng chuyên bán những món đồ đắt tiền với số vốn 1.000 USD do cha ông cho mượn.
Một trong những đặc điểm của cửa hàng này là tất cả món đồ trong tiệm đều có ghi giá bán rõ ràng và yêu cầu không trả giá. Trong ngày đầu tiên, ông chỉ bán được 4.9 USD, nhưng sang đến những ngày sau đó thì khách hàng nô nức kéo đến cửa tiệm của ông để tìm mua những món đồ lạ, không hề thấy bày bán ở nơi khác.
Năm 1848, John Young sang Pháp tìm mua hàng, đúng vào lúc vương triều Louis Philippe sụp đổ và trong hoàn cảnh hỗn loạn, người ta đem kim cương đi bán khắp nơi. Young mua lại tất cả những viên kim cương mà người ta gạ bán, kể cả một số nữ trang trước kia từng thuộc quyền sở hữu của hoàng hậu Marie Antoinette. Trở về Hoa Kỳ, Young và Charles Lewis trưng bày những món nữ trang quý hiếm mua được từ Pháp. Danh tiếng của cửa tiệm Tiffany từ đó nổi lên như cồn! Một thời gian sau, Charles Tiffany đưa ra cuốn catalogue đầu tiên, bên trong có hình ảnh và chú thích thật rõ ràng. Sự say mê của ông đối với việc làm đồ bạc, đặc biệt là những chiếc muỗng bạc chạm trổ cầu kỳ, đã giúp công ty đoạt giải thưởng cao quý “Award of Merit” tại hội chợ đấu xảo Paris năm 1867. Đây cũng là lần đầu tiên một công ty Hoa Kỳ lọt vào mắt xanh của các giám khảo ở Châu Âu.
Trong số những sản phẩm làm cho công ty Tiffany được nổi tiếng nhất là việc vẽ kiểu chiếc nhẫn đính hôn có 6 cạnh đến bây giờ vẫn còn được chú ý. Người ta cho rằng thành quả lớn nhất của cá nhân Charles Lewis Tiffany là việc hình thành một phòng nghiên cứu về kiểu mẫu và đưa công ty Tiffany lên hàng quốc tế trong ngành kim hoàn.
Cho đến khi Charles Lewis Tiffany qua đời năm 1902, công ty Tiffany đã trở thành công ty lừng danh thế giới với số vốn hơn 2 triệu USD (một con số khổng lồ vào đầu thập niên 1900) và được coi là công ty kim hoàn hàng đầu ở vùng Bắc Mỹ. Ông Tiffany cũng là một trong những nhà sáng lập Hội Nghệ Thuật tại New York và cũng đóng góp rất nhiều vào việc điều hành bảo tàng viện Metropolitan Museum of Art.
Một trong những người con của ông, Louis Comfort Tiffany (February 18, 1848 – January 17, 1933) về sau trở thành một nhà vẽ kiểu lừng danh thế giới chuyên về đồ kim hoàn, thảm, chụp đèn bằng kính ghép lại.
Cuộc chơi đáng giá hàng triệu USD
Đèn Tiffany có gì đặc biệt mà lại đắt tiền đến như vậy? Không chỉ đơn giản là một loại đèn kính màu nổi tiếng bậc nhất thế giới, Tiffany là thương hiệu độc nhất vô nhị vì đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bất hủ bằng màu sắc nằm trong kính.
Mỗi chiếc đèn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, một cuộc chơi của màu sắc và bố cục. Điều kỳ lạ là đèn kính màu Tiffany thoáng nhìn khá màu mè nhưng không hề cho người ta cảm giác chói mắt mà ngược lại, vô cùng lắng đọng, sinh động và ấm cúng.
Đèn kính màu Tiffany lúc thì toả ánh sáng dịu nhẹ như thiếu nữ e ấp, lúc rực rỡ như một vườn hoa phô sắc, khi lạnh lùng lúc lại huyền bí kỳ ảo. Kỳ thú nhất ở chỗ dù có bật một lúc cả chục chiếc đèn Tiffany trong một căn phòng nhỏ cũng chẳng hề có cảm giác nóng bức hay mõi mắt.
Những ô màu, những họa tiết tinh tế của những chiếc đèn Tiffany có sức hấp dẫn kỳ lạ. Người ta có thể cảm nhận được sự diệu kỳ của màu sắc và kính khi ngắm những chiếc chao đèn tuyệt mỹ. Chiếc đèn câm lặng khi tắt nhưng khi được thắp sáng, nó toả sáng rực rỡ và cho ra những bức tranh kính màu hoàn toàn khác nhau. Mỗi góc độ cho một cảm giác về màu sắc khác nhau, chỉ chuyển góc nhìn một chút, những mảnh kính màu đỏ tía có thể trở thành màu xanh lam, một màu trắng đục có thể trở thành lung linh ngũ sắc, hoặc từ cảm giác rộn ràng vui vẻ chiếc chao đèn có thể trở thành ưu tư bí ẩn.
Đèn kính màu Tiffany do Louis Comfort Tiffany (1848-1933), 1 hoạ sĩ tài ba kiêm kỹ nghệ gia bậc thầy, một trong những đại diện tiêu biểu cho Trường phái Nghệ thuật Tân Hiện đại (L’Art Nouveau) sáng chế ra. Những bí mật sản xuất đèn kính màu của Tiffany chỉ nằm trong tay vài cơ sở sản xuất kính có xuất xứ từ Studio của Tiffany cuối thế kỷ 19 đầu 20.
Tại Mỹ, chỉ có vài công ty truyền thống nắm được bí quyết chế ra được loại kính màu nghệ thuật tinh khiết về màu sắc đạt được chất lượng cao như ngọc. Thông thường người sưu tầm chỉ chọn những chiếc đèn làm chính xác theo thiết kế do Studio Tiffany sáng chế trước năm 1933, năm Tiffany qua đời. Những chiếc đèn làm sau thời điểm này đều được gọi là “Đèn phiên bản Studio Tiffany đạt chất lượng bảo tàng”.
Năm 1938, studio của Tiffany đóng cửa sau khi ông mất vài năm. Nhưng vẫn có một số xưởng sản xuất tiếp tục phát triển dòng kính Tiffany và chế tác lại những tác phẩm của ông. Tuy vậy chỉ những tác phẩm có chữ ký của chính Tiffany mới có giá trị cao, không hoàn toàn vì giá trị nghệ thuật mà là giá trị sưu tầm.
Một chiếc đèn bằng cả gia tài
Tiffany chỉ thiết kế hơn 300 kiểu chao đèn và 50 kiểu chân đèn có kích thước, kiểu dáng, tên gọi khác nhau. Đèn Tiffany có đặc điểm chung là rất cầu kỳ, rực rỡ, dáng dấp cách điệu bay bổng nhưng vẫn cổ kính, chỉn chu về bố cục và khó bắt chước. Một chiếc chao đèn phiên bản Tiffany chuẩn thường có giá dao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD.
Với những chiếc đèn kính nguyên bản, chứng minh được là do chính studio của Tiffany làm cách đây khoảng 80 năm có giá trị từ 3 – 5 triệu USD nhưng vẫn rất khó tìm. Lotus Bell (Bó hoa Sen rủ xuống thành hình chuông), 1 trong 3 chiếc đèn Hoa Sen do Tiffany sản xuất trong khoảng những năm 1900-1910 bán năm 1997 tại Nhà Christie’s với giá 2,8 triệu USD, 3 năm sau đó giá của nó đã lên tới 4,7 triệu USD khi chuyển giao cho một nhà sưu tầm người Nhật.
Hiện nay có những chiếc chao đèn Tiffany được chuyển nhượng lên đến hàng chục triệu USD. Những chiếc đèn phiên bản Tiffany có giá trị sưu tầm, dù không phải bản gốc cũng rất đắt, đôi khi ngang ngửa với chiếc ô tô đắt tiền hay một căn nhà.
Sở dĩ đèn kính màu Tiffany rất đắt vì nó rất khó làm và đều được ghép thủ công hoàn toàn. Một trong những chiếc đèn kỳ công nhất nhất của Tiffany là Cây Kim Tước được làm từ 2250 miếng kính. Rất nhiều chiếc chao đèn có trên 1000 mảnh kính như: Cây Đậu Tía (1945 miếng kính), Hoa Mộc Lan (1260), Hoa Đỗ Quyên (1326)…
Chính vì được làm bằng tay từ A-Z nên đèn Tiffany không chiếc nào giống chiếc nào và được coi là một dòng nghệ thuật đúng nghĩa và phải được những nghệ sĩ nắm được quy luật phối màu tạo nên.
Kính màu của Tiffany đều có màu sắc rực rỡ và khó làm. Người chơi không chỉ tinh tường về đèn Tiffany mà còn phải quen biết các nghệ nhân có tay nghề để đặt làm những chiếc đèn như ý. Chỉ riêng việc đặt làm một chiếc đèn phiên bản Tiffany, theo bản gốc cũng phải mất vài năm. Nghệ nhân phải dành nhiều công sức và thời gian để sưu tầm cho được những tấm kính ưng ý mà sau đó có khi chỉ một góc nhỏ trên đó được sử dụng.
Song, điều quan trọng nhất là phải phối được những mảnh kính có nhiều màu sắc thành những gam màu mà Tiffany gọi là “có ma lực” và phải phù hợp với cảm xúc của người đặt hàng, chỉ sai lệch một chút trong việc chọn màu và phối cũng làm hỏng cả một chiếc đèn.
Đáng tiếc, theo thời gian rất nhiều loại kính từ lâu đã “tuyệt chủng”! Những bí quyết tuyệt kỹ đòi hỏi công nghệ đắt tiền và quy trình sản xuất rất tốn kém đã biến mất cùng sự ra đi của các nghệ nhân già. Màu và sắc của kính Tiffany rất kỳ ảo, cho những hiệu ứng màu sắc mà nhiều khi ngọc và đá quý không thể có được. Chính vì sự huyền ảo này mà đèn kính màu Tiffany luôn được xếp vào hàng những dòng đèn đắt giá và được săn lùng nhiều nhất trên thế giới.
Có những chiếc đèn Tiffany nguyên bản đang được chuyển nhượng lên đến hơn 10 triệu USD và chúng thường chỉ xuất hiện trong các bảo tàng, các cuộc đấu giá và thi thoảng xuất hiện tại các nhà cái tên tuổi thế giới cỡ Christie’s, Sotherby’s hoặc trong bộ sưu tập tư nhân của những triệu phú đô la trên thế giới.
Những người chơi ẩn danh
Chính vì chơi đèn kính màu Tiffany rất tốn kém, lại đòi hỏi người chơi phải hiểu sâu sắc, thấu đáo mọi khía cạnh về nó để khỏi sưu tầm phải những “tác phẩm dởm” nên ở Việt Nam hiện nay chỉ có vài người đủ kiên nhẫn và đủ tiền sưu tập loại đèn màu cao cấp này, trong đó có một người (nhân vật xin giấu tên) đã sưu tầm được một bộ gần 20 chiếc đèn từ những mẫu đèn đẹp nhất của Tiffany.
Hàng chục năm qua ông cần mẫn sưu tầm, không phô trương, không ganh đua với ai, cũng chẳng viện lý do cao quý nào cả, mà chỉ đơn giản là để “có thêm một bộ sưu tập dòng nghệ thuật tuyệt vời của thế giới đang bị mai một”.
Tuy thường được gợi ý, mời mọc nhưng nhiều năm nay ông khước từ nói về mình hoặc xuất hiện trên báo chí vì muốn giữ riêng cho người thân và bầu bạn một thế giới riêng với những chiếc đèn lặng lẽ toả sáng bằng những cung bậc cảm xúc khác nhau của màu sắc. Ông bảo, điểm quan trọng nhất của mỗi chiếc đèn là “đạt được sự ám ảnh” có khả năng đem đến sự tĩnh tâm và thư giãn cho những ai yêu thích chúng. Còn đối với những ai chưa thích hoặc chưa hiểu về chúng thì cũng có dịp để họ phát hiện rằng trên đời cũng còn nhiều thứ đẹp đẽ kỳ diệu nhờ bàn tay khéo léo con người tạo ra.
Để sở hữu một chiếc chao đèn đẹp, có người chơi phải lặn lội sang tận châu Âu để mua cho kỳ được một chiếc chao đèn Chuồn Chuồn màu hổ phách giá lên đến hàng chục ngàn USD.
Nếu đặt nghệ nhân làm một chiếc chao đèn phiên bản Tiffany ở nước ngoài cũng mất trên chục ngàn USD và vài năm kiên nhẫn chờ đợi chưa kể cước phí chuyển về Việt Nam bằng máy bay. Hiện tại có chiếc đèn phiên bản Tiffany tại Việt Nam có giá lên đến 60.000 USD.
Không chỉ săn lùng chao đèn, những cuộc tìm kiếm chân đèn Tiffany cũng là câu chuyện dài. Chân đèn Tiffany đều được đúc bằng đồng, có khi nặng tới 40kg.
Chúng thường có dáng dấp kỳ lạ, phi cổ diển, nhưng bay bổng giản dị và mang đầy dấu ấn của trường phái L’Art Nouveau, rất phù hợp cho việc tôn vinh vẻ đẹp của những chiếc chao đèn Tiffany. Chân đèn Tiffany được đúc rất tinh xảo, mỗi chiếc mỗi vẻ, đôi khi cầu kỳ chẳng kém gì chiếc chao đèn và cũng có giá “hét ra lửa”. Nếu là một chiếc chân đồng chính gốc của Tiffany cũng có khi lên đến cả trăm ngàn USD. Tiffany đã và đang tạo ra một thú chơi tốn kém và cầu kỳ.
Nguyễn Văn Phước
cảm ơn bạn đã cho bạn đọc thêm kiến thức về đèn Tiffany, tuy nhiên để phân biệt được chất liệu chân đèn và chóa đèn đúng là khó phân biệt nếu là chân kim loại. xin hỏi nếu đèn xịn thì chất liệu kết nối chi tiết từng mảnh thủy tin lại là chất liệu gì? nếu chóa bị hỏng những kết nối từng mảnh thủy tinh thì có sửa lại được kg? do thiếu kiến thức về đèn tifany nên các bác thông cảm. xin cảm ơn
MrT
Tôi là bạn đọc, vô tình đọc bài này. Xin có mấy ý mong giúp bạn hiểu rõ hơn về đèn Tiffany:
1. Đối với đèn Tiffany, quan trọng nhất là chao đèn. Giá trị của chao đèn phụ thuộc nhiều nhất vào chất lượng kính màu (ai sản xuất, kính công nghiệp hay kính nghệ thuật – mà đến nay đang có nguy cơ thất truyền các dòng kính đẹp); tiếp đến là bàn tay nghệ nhân (sự tinh tế trong cách chọn kính, quan niệm về phối màu, về tiềm năng kính sẵn có – bởi nhiều nghệ nhân không sẵn có nhiều kính đa dạng, hà tiện không mua kính phù hợp cho chủ đề chao đèn, mà kính nghệ thuật thì rất đắt); cuối cùng là chiếc chao đó có đúng chuẩn với khuôn của chiếc chao đèn Tiffany gốc không. Về kĩ sảo cắt kính, gắn các mảnh kính với nhau bằng thiếc, kĩ thuật nhuộm các mạch nối bằng thiếc (Patina) đối với những chiếc chao đèn đắt tiền là bắt buộc, không cần bàn cãi.
2. Chân đèn thuộc dòng đèn Tiffany là rất quan trọng nhưng so với chao đèn thì chỉ là thứ yếu mặc dù có những chiếc chân đèn đã được đấu giá trên 100 nghìn đola. Chân đèn Tiffany có khoảng gần 50 mẫu khác nhau, phong cách rất phóng khoáng theo tinh thần của Art Nouveau. Chân đèn đáp ứng cho các loại chao đèn có đường kính khác nhau, ví dụ: chao có đường kính 30cm, 36cm, 41cm, 48cm, 51cm, 55cm, 61cm… chiếc chao có kích thước lớn nhất là 68cm (không kể những chiếc chao có kích thước ngoại lệ). Các loại chao phải được sử dụng đúng phù hợp với kích thước và chủng loại. 90% chân đèn Tiffany được đúc bằng đồng đỏ sau đó hoàn thiện bằng kĩ thuật xuống màu (Patina), 10% bằng sứ. Hiện nay chân đèn Tiffany phiên bản và các phụ kiện bằng đồng đang bị khủng hoảng do nhà sản xuất độc quyền của Mỹ ở Đài Loan đòi nâng giá gấp đôi dẫn đến hai bên ngừng sản xuất chân đèn. Cho nên các bạn nào sưu tầm đèn Tiffany mà phát hiện được có chân đèn chuẩn thì nên mua ngay kẻo rồi đây lại đắt như vàng và không có mà mua. Chân đèn của TQ, kể cả bằng đồng đều sai mẫu, đôi khi đáng vất đi.
3. Đối với những chiếc chao đèn Tiffany có chất lượng: Bạn đừng lo âu về việc sửa chữacác mảnh thủy tinh bị rời khỏi các mạch hàn bằng thiếc, bởi điều này rất ít khi xảy ra, trừ khi chao bị đánh rơi hoặc va chạm rất mạnh, khi đó thì miếng kính đã kịp vỡ trước khi long khỏi khung thiếc. Tuy nhiên đói với những chiếc đèn rẻ tiền thì nếu lỡ khung thiếc bị xộc xệch thì bạn vẫn có thể nhờ các cơ sở làm kính màu ở Việt Nam (tốt nhất là ở TP HCM) hàn lại.
Chúc bạn thành công và sưu tầm được những chiếc đèn Tiffany đẹp.